TẠI SAO HIỆN NAY THỜI GIAN ĐĂNG KÝ BẢO HỘ NHÃN HIỆU LẠI KÉO DÀI ĐẾN TẬN 2 NĂM?
Tháng Tư 25, 2024Góp vốn kinh doanh bằng nhãn hiệu đã được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp
Tháng Sáu 11, 2024Đăng ký bản quyền chương trình máy tính là gì?
– Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng lệnh, mã, lược đồ hoặc dạng khác, khi gắn vào một phương tiện, thiết bị được vận hành bằng ngôn ngữ lập trình máy tính thì có khả năng làm cho máy tính hoặc thiết bị thực hiện được công việc hoặc đạt được kết quả cụ thể. Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy.
– Đăng ký bản quyền chương trình máy tính là việc tác giả, chủ sở hữu bản quyền nộp đơn và hồ sơ kèm theo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các thông tin về tác giả, chủ sở hữu bản quyền của chương trình máy tính đó. Từ đây, tác giả, chủ sở hữu có căn cứ để phòng tránh hoặc ngăn chặn bất kỳ đối tượng nào sử dụng chương trình máy tính của mình trái phép.
Ai có quyền đăng ký bản quyền chương trình máy tính?
– Theo quy định tại Điều 13 Luật SHTT, tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu chương trình máy tính có quyền đăng ký bản quyền chương trình máy tính. Theo đó, tác giả hoặc chủ sở hữu chương trình máy tính có thể thực hiện đăng ký bản quyền tại Việt Nam, bao gồm cả cá nhân và tổ chức là người Việt Nam, cũng như cá nhân và tổ chức là người nước ngoài. Theo quy định, tác giả của các chương trình máy tính gồm tất cả các cá nhân trực tiếp tham gia xây dựng chương trình.
– Ngoài ra, tác giả hoặc chủ sở hữu có thể ủy quyền cho cá nhân, tổ chức thực hiện việc nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả.
Tại sao phải đăng ký bản quyền chương trình máy tính?
– Ghi nhận quyền sở hữu hợp pháp đối với chương trình máy tính: Đăng ký bản quyền không phải là một thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả đối với chương trình máy tính. Tuy nhiên, mục đích của việc đăng ký quyền tác giả với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ghi nhận quyền sở hữu hợp pháp đối với chương trình máy tính do tác giả hoặc chủ sở hữu sáng tạo ra và sự ghi nhận này được thể hiện trong Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.
– Việc đăng ký bản quyền chương trình máy tính là cơ sở để xử lý vi phạm: Chương trình máy tính là một sản phẩm trí tuệ đòi hỏi tính sáng tạo vô cùng cao và các kỹ sư phần mềm cũng phải tốn rất nhiều thời gian để hoàn thiện. Tuy nhiên, để người khác sao chép để sử dụng trái phép thì rất nhanh chóng và dễ dàng. Khi có hành vi sử dụng trái phép chương trình máy tính thì chủ sở hữu có quyền yêu cầu cầu cơ quan chức năng xử lý vi phạm.
– Loại trừ nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả thuộc về mình khi có tranh chấp: Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp. Do vậy mà chủ sở hữu sẽ tránh mất thời gian và tiền bạc để chứng minh quyền sở hữu đối với chương trình máy tính khi có tranh chấp xảy ra.
Hồ sơ đăng ký bản quyền chương trình máy tính
Thành phần hồ sơ bao gồm:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả theo mẫu;
- 02 bản sao nội dung phần mềm (bao gồm giao diện và code);
- 02 bản CD chứa nội dung phần mềm (bao gồm giao diện và code);
- Giấy ủy quyền (nếu người nộp hồ sơ là người được ủy quyền);
- Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn;
- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu có đồng tác giả;
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả thuộc sở hữu chung.
Ngoài ra, thành phần hồ sơ còn bao gồm:
- Bản sao chứng minh nhân dân/ thẻ căn cước công dân/ hộ chiếu của tác giả;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (nếu chủ sở hữu quyền tác giả là pháp nhân);
- Giấy cam đoan của tác giả;
- Quyết định giao nhiệm vụ (nếu chủ sử hữu quyền tác giả là pháp nhân)
Thời gian đăng ký bản quyền chương trình máy tính
– Theo quy định tại Điều 39 Nghị định 17/2023/NĐ-CP thì trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho người nộp đơn.
– Tuy nhiên, trên thực tế thì thời gian đăng ký bản quyền chương trình máy tính thường kéo dài lâu hơn do số lượng hồ sơ Cục bản quyền đang tiếp nhận khá lớn. Do vậy, hiện nay thông thường để hoàn tất quá trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho phần mềm sẽ mất khoảng từ 30 đến 45 ngày làm việc.
– Ngoài ra, trong trường hợp hồ sơ đăng ký cần phải bổ sung hoặc sửa chữa thì thời dài đăng ký cũng có thể bị kéo dài lâu hơn.
Thời hạn bảo hộ đối với bản quyền chương trình máy tính
– Tại Điều 6 Luật SHTT quy định thời điểm phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với chương trình máy tính là kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Do vậy, chương trình máy tính được bảo hộ tự động ngay khi được sáng tạo ra và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định.
– Quyền nhân thân của tác giả sáng tạo chương trình máy tính được bảo hộ vô thời hạn. Quyền công bố tác phẩm và quyền tài sản đối với chương trình máy tính có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời của tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết. Đối với trường hợp phầm mềm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ với chương trình máy tính chấm dứt vào năm thứ 50 sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.